Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn
Nước có nguồn mới biển rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có cha có mẹ rồi sau mới có mình
Bản hồ tổ (Tổ là gốc) đó là tục có từ thời thượng cổ, nay vẫn còn nguyên giá trị vững bền và luôn hiện hữu trong tâm thức của mỗi người dân Đất Việt ngày hôm nay.
Tổ tiên sinh ra ông bà, ông bà sinh ra cha mẹ, cha mẹ sinh ra mình. Người con hiếu thảo phải biết ơn nghĩa sinh thành; lúc ông bà, cha mẹ còn sống, phận làm con cái phải phụng dưỡng, nghe lời dạy bảo của người, phải lưu ý chiều chuộng để ông bà, cha mẹ được hài lòng. Khi người trăm tuổi, quy tiên phải lo ma chay, thờ cúng, giỗ chạp thường niên; bỏ tổ tiên, không thờ phụng tức là quên nguồn gốc, bội nghĩa sinh thành. Đời thường cũng lắm kẻ chỉ biết vợ con, không biết cha mẹ là đâu, nên mới có câu rằng: Lúc sống thì chẳng cho ăn, để khi đến chết làm văn tế ruồi.
Gia đình đơn thuần gồm một vợ một chồng sống chung trong một nếp nhà với những người con chưa đến tuổi trưởng thành, nhiều người còn có cha mẹ ở chung, cũng có những gia đình còn có trên cha mẹ lại còn ông, bà, kể đến hàng con là còn bốn đời; đặc biệt nữa là những gia đình còn có hàng cụ (sinh ra ông bà) kể đến hàng con là năm đời gọi là : “Ngũ đại đồng đường“, những trường hợp ít có này được coi là phúc đức lắm. Con cháu cùng chung sống với ông bà, cha mẹ, cụ kỵ trong cùng một nhà không phải là chuyện dễ. Trước đây, Năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) có lệ thưởng cho gia đình có năm đời cùng một nhà : vua ban thưởng 20 lạng bạc, vải 20 tấm, lụa 10 tấm, đoạn 01 tấm, trích 10 lạng bạc nói trên để quan sở tại dựng một cái phường, chế một cái biển khắc 4 chữ “Dịch diệp diễn tường” (mấy đời liên tiếp hưởng sự tốt lành) treo ngang cao để nêu rõ sự khen thưởng.

Nói về Họ là nói cả hệ thống cùng một dòng máu từ người sáng nghiệp, gọi là thủy tổ trở xuống các đời sau. Họ to gồm có nhiều chi đông đúc lại có mỗi chi một nhà thờ gọi là nhà thờ tư chi. Dưới nữa, các gia đình khá giả cũng có nhà thờ riêng thờ từ ông tổ bốn đời trở xuống; làm nhà riêng để thờ, không ở, chỉ mở cửa khi cúng lễ ngày Tết, ngày giỗ, cáo yết… Không có từ đường riêng thì bàn thờ gia tiên được thiết lập ở gian giữa nhà chính, là chỗ tôn kính nhất.
Đã từ muôn ngàn đời nay, người Việt vẫn ý thức rằng Thờ cúng tổ tiên là ghi nhớ nguồn gốc
Cả nước ta có chung ngày giỗ tổ Hùng Vương; mỗi nhà, mỗi họ đều có ngày giỗ bậc tiên công khai sáng; Họ Đặng Văn Non Nước vừa kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Ngài Thủy tổ khai sinh Tộc Đặng Văn Non nước và lấy ngày 12 tháng 06 âm lịch hàng năm là ngày Họ Đặng Văn Non Nước hướng về cội nguồn, tưởng niệm liệt vị tổ tiên Họ Đặng Văn Non Nước ở thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, mỗi Chi phái của Tộc Đặng Văn Non nước đều có ngày tưởng niệm ngài tiên tổ của Chi, phái mình, người có công khai phá tạo cơ nghiệp cho con cháu của mỗi Chi, phái ở mãnh đất mà tiên tổ chư, phái mình là tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh.
Đức Khổng Tử dạy:
Sự tử như sự sanh, sự vong như sư tồn, hiếu chi chí dã
(事 死 如 事 生, 事 亡 如 事 存, 孝 之 至 也).
Thờ cha mẹ đã chết cũng như sống, thờ ông bà tuy mất cũng như còn, mới gọi rằng chí hiếu vậy. “Tế như tại, tế thần như thần tại” tuy không thấy thần linh hiện ra nhưng khi tế cúng coi như thần linh tại đó, phải để tâm hồn tôn kính.
Tỏ lòng thành kính, thương mến, chăm sóc, ngưỡng vọng biết ơn công đức của tiên tổ, ông bà, cha mẹ sinh thành, khai tạo cơ nghiệp không chỉ là đạo lý làm người của con cháu Tộc Đặng Văn Non Nước mà còn là nét truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam.